Đèo Ô Quý Hồ

Ô Quý Hồ
Đèo đường bộ
Quốc gia  Việt Nam
Địa khu Giáp ranh Lào CaiLai Châu
Cao độ 1.991 m (6.532 ft)
Tọa độ 22°21′12″B 103°45′52″Đ / 22,3532°B 103,76453°Đ / 22.3532; 103.76453
Múi giờ ICT (UTC+7)
Map

Đèo Ô Quý Hồ, đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là một ngọn đèo nằm trên quốc lộ 4D ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Lào CaiLai Châu, Việt Nam.[1][2][3]

Đèo cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, với đỉnh đèo cũng ở gần ranh giới giữa 2 tỉnh. Tên chính thức của đèo ở đường phân thủy là "đèo Trạm Tôn"[4][5]. Đèo còn có tên địa phương còn là Cổng Trời [Ghi chú 1]. Tuy nhiên du khách đến Tây Bắc Việt Nam thường biết đến đèo với tên đèo Ô Quý Hồ.[Ghi chú 2]

Với độ dài hơn 50 km, độ cao gần 2 km so với mực nước biển, đây là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Đèo Ô Quy Hồ được gọi theo tên bản Ô Quy Hồ nằm cạnh quốc lộ 4D, nay thuộc phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa[2]. Tên bản đặt theo tiếng H'Mông, song người từ xa đến ưa gọi "Ô Quy Hồ" có phát âm nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, tên gọi đèo Hoàng Liên, hay đèo Hoàng Liên Sơn hình thành do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ [6].

Có ý kiến cho rằng tương truyền ở vùng núi này, ngày trước hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của 1 đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2 km này.

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]
Đường đèo Ô Quý Hồ

Đèo Ô Quý Hồ có cung đường đèo dài ngoằn ngoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam[7], với chiều dài lên tới gần 50 km[8] dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Sơn LaĐiện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quý Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là "vua đèo vùng Tây Bắc".[9]

Khách bộ hành trên đường từ Sa Pa đi thăm Thác Bạc với cung đường khoảng 12 km, vượt qua cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn với điểm kiểm lâm Trạm Tôn, một trong những xuất phát điểm của tuyến chinh phục đỉnh Fansipan ở độ cao 1940 m, khoảng vài km là đã lên đến đỉnh đèo Ô Quý Hồ ở độ cao gần 2 km. Đỉnh đèo Ô Quý Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời [Ghi chú 1].

Con đèo Ô Quý Hồ trước kia khi chưa được làm đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại mang trong nó nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình, trong đó có chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại[6]. Tuy nhiên hiện nay tuyến đường được nâng cấp nhiều, trở thành một cung đường thu hút nhiều tay phượt thủ đến khám phá và chinh phục. Hàng ngày trên cung đường này xe cộ đi lại nườm nượp. Để đi từ Hà Nội đến Lai Châu, nhiều người chọn cách đáp tàu hỏa lên Lào Cai rồi đi xe khách vượt đèo Ô Quý Hồ[7]. Một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại thường là vách đá dựng đứng, đèo Ô Quý Hồ là một thử thách đối với các tài xế đường dài. Những tấm biển chỉ báo nguy hiểm được dựng lên khắp nơi[7], và đã có nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra trên cung đường này.

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]
Đồi chè Ô Quý Hồ, nhìn từ trên đèo Ô Quý Hồ xuống

Độ cao của dãy núi Hoàng Liên Sơn cũng khiến cho khí hậu 2 nửa của đèo được phân định tại Cổng Trời trở nên khác biệt. Mùa đông, trong khi bên phía Tam Đường trời vẫn ấm áp thì bên Sa Pa có những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt[6], cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2 m và núi rừng chìm ngập trong mây. Vào mùa hè, nếu bên đèo Sa Pa khí hậu mát mẻ trong lành thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh do ảnh hưởng hoạt động của gió Lào sẽ thiêu đốt mặt đất, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh mắt trời.

Vào những đợt thời tiết giá rét đỉnh đèo Ô Quý Hồ có thể phủ kín băng tuyết [10][11].

Kỷ lục đèo dài nhất Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay Đèo Ô Quý Hồ là đèo dài nhất Việt Nam với độ dài gần 50 km.

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Các đèo trên núi cao thường gọi là Cổng Trời, như Cổng trời Quản Bạ, Cổng trời Hoàng Su Phì,...
  2. ^ Theo Bản đồ tỷ lệ 1:50.000 tờ F-48-40B, Cục Đo đạc và Bản đồ (2004) thì tên bản ở rìa phía tây thị xã Sa Pa là bản Ô Quý Hồ, và nhiều văn liệu khác viết là đèo Ô Quý Hồ. Một số văn liệu khác thì viết là đèo Ô Quy Hồ.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tập bản đồ hành chính Việt Nam. Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam. Hà Nội, 2013.
  2. ^ a b Bản đồ tỷ lệ 1:50.000 tờ F-48-40-B. Cục Đo đạc và Bản đồ, 2013.
  3. ^ 8 con đèo miền Bắc hút hồn dân du lịch bụi. VOV Online, 06/11/2018.
  4. ^ Thông tư 44/2013/TT-BTNMT ngày 26/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục địa danh dân cư... lập bản đồ tỉnh Lai Châu. Thuky Luat Online, 2016. Truy cập 22/09/2019.
  5. ^ Danh lam thắng cảnh Việt Nam: Đèo Trạm Tôn (Cổng Trời) Lưu trữ 2016-12-20 tại Wayback Machine. Hang động Việt Nam, 18/11/2015. Truy cập 15/12/2016.
  6. ^ a b c Những con đèo tuyệt đẹp ở miền Bắc Lưu trữ 2008-07-28 tại Wayback Machine. Truy cập 15/12/2016.
  7. ^ a b c Ấn tượng những con đèo. Truy cập 15/12/2016.
  8. ^ Có tài liệu nói độ dài của đèo trên 40km.
  9. ^ Đèo Ô Quy Hồ - “vua đèo vùng Tây Bắc”. Khoa học & Phát triển, 28/05/2017. Truy cập 15/12/2020.
  10. ^ Tuyết ở Lào Cai dày tới 30 cm, giao thông tê liệt Lưu trữ 2016-12-20 tại Wayback Machine. Lạng Sơn Online, 16/12/2013. Truy cập 15/12/2016.
  11. ^ Băng tuyết phủ kín đỉnh đèo Ô Quý Hồ. Vietnamnet, 03/02/2018. Truy cập 15/12/2020.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]