Đình thần Mỹ Phước
Đình Mỹ Phước là một ngôi đình khang trang, bề thế và là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của tỉnh An Giang, Việt Nam.
Nguồn gốc, kiến trúc
[sửa | sửa mã nguồn]Đình Mỹ Phước tọa lạc tại trung tâm phường Mỹ Long[1], thuộc thành phố Long Xuyên. Không rõ năm xây dựng, chỉ biết ban đầu, đình được xây dựng bằng tre, lá. Đến năm 1889, được sửa lại (lợp ngói, cột bằng gỗ căm xe), và sau đó còn trải qua ba lần tu sửa nữa: năm 1903, xây tường xung quanh thay cho ván; năm 1960, nâng nền đình; năm 1990, dựng hàng rào bằng xi măng.
Ngôi đình nằm trong khuôn viên có diện tích 4.770 m2 [2], Tuy nhiên chỉ còn lại 3.620 m2, xung quanh có tường gạch bao, có một cửa chính và ba cửa phụ bằng gạch và xi măng.
Cổng chính xây theo kiểu tam quan, trên có ba chữ "Mỹ Phước (Phúc) Đình", hai bên có hai con lân bằng đất nung tráng men xanh.
Qua cổng tam quan, ở hai bên có hai miếu: miếu Sơn Quân và miếu Hội đồng.
Ngôi đình chính dài 37 m, rộng 16,5 m (tổng cộng 610,5 m2), gồm chín gian, có ba cửa chính. Bờ nóc gắn hai con rồng uốn khúc, đuôi xoắn, chầu nậm rượu. Nóc nhà võ ca gắn hai con phượng và bát tiên ở hai bên. Ở giữa có hình bát quái, hai bên có hai con nai. Mặt trước mái đình giữa đắp hình địa cầu, hai bên có hai con cá hóa rồng. Hai đầu đao có hình nhật nguyệt và hình người. Mái lợp ngói âm dương, có ba tầng mười hai mái, được đắp tượng cá hóa rồng, nhật nguyệt, lưỡng long tranh châu, phượng, lân và bát tiên.
Đình là một quần thể gồm nhiều nhà vuông có bốn cột cái gọi là Tứ trụ được mở ra bốn phía chung quanh bằng bộ kèo đâm và kèo quyết theo kiểu "Võ đậu, đùi ếch". Vì muốn có diện tích bên trong rộng rãi nên ghép các ngôi nhà liền với nhau theo kiểu "trùng thềm điệp ốc"[3], tạo nên một không gian rộng rãi. Nơi gian thờ chính có hai bộ bao lam chạm trổ hoa lá, bát tiên, sơn son thiếp vàng tinh xảo.
Việc thờ cúng
[sửa | sửa mã nguồn]Gian chính có khám thờ thần Thành hoàng làng là Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), một vị tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu, người có công chiêu dân khai phá vùng đất này. Ngoài ra, ở đây còn có bàn thờ Hội đồng.
Võ qui (trung điện) có bàn thờ 18 đời vua Hùng và bàn thờ chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên gian chính, là các bàn thờ: Tả ban, Hữu ban, Đông hiến, Tây hiến, tiền hiền, hậu hiền,...Đặc biệt, nơi đây còn thờ thần Thị, tức ông Nguyễn Văn Võ, người có công lập chợ Long Xuyên. Ngôi đình có đã sắc phong từ thời Tự Đức năm thứ 5 (1852.
Hằng năm, lễ chính của đình là lễ Kỳ yên được tổ chức vào các ngày 10, 11, 12 tháng 5 âm lịch [4]
Ngày 26 tháng 6 năm 1995, ngôi đình đã được xếp loại di tích "kiến trúc nghệ thuật" cấp quốc gia theo quyết định số 2233/VH-QD.
Ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]- Đình Mỹ Phước
- Bên trong đình
- Bàn thờ thần Thành hoàng (Nguyễn Hữu Cảnh)
- Ngoài nhìn vào, gian bên trái thờ thần Thị
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Sách tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Nhiều người soạn, Kỷ lục An Giang 2009. Nhà xuất bản Thông Tấn, 2010.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Phường Mỹ Long hiện nay chỉ là một phần của làng Mỹ Phước (phúc 福, do kỵ húy nên đổi ra phước) xưa. Làng Mỹ Phước được thành lập khá sớm. Theo tài liệu, thì khi tỉnh An Giang mới thành lập (1832), phía hữu ngạn sông Hậu, dân cư thưa thớt. Từ biên giới Việt – Chân Lạp xuống Long Xuyên chỉ có các làng Bình Thạnh Tây (đối diện Bình Thạnh Đông bây giờ), Bình Đức và Mỹ Phước. Nguồn: Cổng thông tin điện tử An Giang, phần Lịch sử hình thành tỉnh An Giang [1] truy cập ngày 11/06/2013.
- ^ Năm 2009, sách Kỷ lục An Giang 2009, đã xác nhận đây là "ngôi đình có khuôn viên lớn nhất tỉnh" (tr. 105).
- ^ Kiểu "trùng thềm điệp ốc" hay còn gọi là "trùng lương trùng thềm" - kiểu nhà kép hai mái trên một nền.
- ^ Theo Kỷ lục An Giang 2009, tr. 105.
Một số bài viết liên quan đến chùa miếu ở An Giang | |
---|---|
Chùa Linh Sơn • Miếu Bà Chúa Xứ • Chùa Phật Lớn • Chùa Ông Bắc • Chùa Tây An • Đình Mỹ Phước • Chùa Giồng Thành • Chùa Phước Điền • Chùa Phi Lai, Chùa Tam Bửu • Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành • Đình Châu Phú • Chùa Xà Tón… |